NHỮNG ĐỔI THAY LỚN TRÊN QUÊ HƯƠNG VĨNH CỬU

Được biết đến là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh; vùng đất của Chiến khu Đ gian lao mà anh dũng; của vườn bưởi Tân Triều thơ mộng; của Thủy điện Trị An mang nhiều dấu ấn..., Vĩnh Cửu ngày nay đang từng bước vượt qua gian khó để xây dựng một nông thôn mới với những đổi thay rất đáng ghi nhận.

* Diện mạo nông thôn mới

Trước đây, Vĩnh Cửu có cơ sở hạ tầng thuộc loại kém nhất tỉnh nhưng hiện tại thì đã được cải thiện rất nhiều. Điểm đáng ghi nhận của Vĩnh Cửu chính là hệ thống trường lớp, cơ sở y tế và đường giao thông. Điều này làm thay đổi diện mạo của một huyện từng được xem là khó khăn nhất nhì tỉnh. Toàn huyện hiện có 12 trạm y tế và 69 cơ sở y, dược tư nhân và gần 50 cơ sở giáo dục, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho người dân. Không chỉ ở vùng trung tâm thị trấn, các xã điểm mà tận các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc, kháng chiến, trường lớp từ mầm non đến THPT đã được phủ kín, mở ra cơ hội đến trường, nâng cao trình độ cho người dân. Toàn huyện hiện đã cơ bản hoàn thành kiên cố hóa hệ thống trường lớp, với hơn 46% phòng học lầu hóa, trong đó có đến 8 trường đạt chuẩn quốc gia. “Không nói đâu xa, chỉ chừng 10 năm trước thôi, học hết cấp 1 phải khăn gói ra thị trấn. Lúc đó khó mà hình dung một xã xa xôi như Phú Lý lại có đủ trường học từ mầm non đến THPT như hiện nay, lại được xây dựng rất khang trang” - ông Nguyễn Văn Tời, ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý nói.
Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ tại xã Phú Lý được đầu tư theo hướng chuẩn quốc gia.


Đổi thay lớn nhất của Vĩnh Cửu chính là từ một huyện thuần nông đã có những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng phát triển. Công nghiệp xây dựng hiện chiếm 74%, thương mại - dịch vụ chiếm 16% và nông nghiệp là 10%. Trong đó, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định với mức tăng bình quân 7%/năm. Công nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực của Vĩnh Cửu, bởi sự phát triển của ngành công nghiệp có tác động rất lớn đến phát triển nông nghiệp và đổi mới nông thôn. Hiện Vĩnh Cửu đã hình thành 1 KCN và 8 cụm công nghiệp với quy mô 582,2 ha. Trong khi đó, ngành thương mại - dịch vụ có xu hướng tăng nhanh từ 10% lên 16% trong vòng 5 năm (2005-2010) cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển mạnh một số nhóm ngành dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ cho sự phát triển các ngành công nghiệp và gắn liền với sự phát triển kinh tế của huyện. Ở ngành nông nghiệp, với mức tăng bình quân 5,3%/năm, cho thấy công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã từng bước có hiệu quả. Chỉ trong 5 năm nay, huyện đã chuyển đổi 530 hécta đất lúa và đất gò đồi sản xuất kém sang nuôi trồng các cây, con khác như cá, bắp... Đặc biệt, với cây bưởi, đã có hơn 800 hécta được cải tạo và trồng mới, mang lại hiệu quả khá cao cho các nhà vườn.

* Sức bật của những vùng quê

Những xã thuộc Chiến khu Đ như Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý, trước đây, người dân không biết làm gì ngoài chuyện sống dựa vào rừng thì nay đã bắt đầu khởi sắc với nhiều mô hình làm ăn kinh tế khá hiệu quả, thậm chí cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Phan Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, toàn huyện hiện có hơn 170 trang trại, trong đó có những trang trại lớn với thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/năm. Vĩnh Cửu cũng đã hình thành các vùng chuyên canh trồng bưởi, mía, bắp; các hợp tác xã hoạt động ổn định đã phát huy được lợi thế và tiềm năng của vùng.



“Diện tích toàn huyện rộng khoảng 110 ngàn hécta nhưng gần 80% là đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nguồn nước sông Đồng Nai, hồ Trị An. Đất dành cho phát triển kinh tế - xã hội chỉ chiếm 20%. Do đặc thù địa bàn trải dài, lại có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước đầu nguồn sông Đồng Nai, bảo vệ rừng, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng nên để Vĩnh Cửu phát triển là một bài toán khó” - Bí thư Huyện ủy Đoàn Thạnh bộc bạch. Đến nay, việc kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, đồng thời bảo vệ được môi trường nguồn nước sông Đồng Nai, được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. “Muốn vậy, Vĩnh Cửu phải dựa vào những thế mạnh của mình. Bởi vùng đất này tự bản thân đã có những điều kỳ tích tạo sức hút như thủy điện Trị An, di tích lịch sử Chiến khu Đ, làng bưởi Tân Triều, làng dân tộc Châu Ro, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Và Vĩnh Cửu khả năng sẽ phát triển hơn khi ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch từng bước hình thành góp phần nâng chất lượng cuộc sống cho người dân. Như làng bưởi Tân Triều, một làng chuyên canh trồng bưởi bao nhiêu năm qua giờ đã biết cách làm du lịch sinh thái đón khách phương xa đến thưởng thức đặc sản quê nhà. Tuyến du lịch về nguồn kết hợp sinh thái, văn hóa Chiến khu Đ cũng mở ra cơ hội cho người dân địa phương tiếp cận các dịch vụ, phương thức làm du lịch. Bên cạnh đó, Vĩnh Cửu tập trung đầu tư hệ thống trường lớp để phát triển giáo dục, tạo nguồn nhân lực có trình độ. Đó là con đường và là sức bật cho vùng quê Vĩnh Cửu phát triển” - ông Đoàn Thạnh nhấn mạnh.
Bùi Nguyễn
Tags:

0 nhận xét

Leave a Reply